Trong nuôi tôm, chi phí thức ăn là phần chính, chiếm ít nhất 50% tổng chi phí.
Do đó, việc tăng hiệu quả sử dụng thức ăn thông qua giảm FCR là rất quan trọng để giảm chi phí và cải thiện lợi ích kinh tế cho người nuôi tôm.
Chỉ số FCR trong nuôi tôm là gì?
FCR (Feed Conversion Ratio hoặc Feed Conversion Rate) là tỷ lệ chuyển đổi thức ăn trong chăn nuôi, trong nuôi tôm là tỷ lệ giữa tổng lượng thức ăn cho tôm ăn và tổng trọng lượng tôm thu hoạch được trên một đơn vị diện tích hay dễ hiểu hơn là số kg thức ăn tốn để thu lại được 1kg tôm thịt.
Tại sao quản lý FCR lại quan trọng trong ao nuôi tôm?
Đối với người nuôi tôm, khi FCR càng nhỏ thì hiệu quả sử dụng thức ăn càng lớn. Thức ăn chiếm chi phí lớn hơn 50% trong nuôi tôm, FCR là căn cứ để tính toán lượng thức ăn cho tôm từ đó tính toán chi phí và lợi nhuận có thể đạt được.
Thức ăn cần được cung cấp đủ lượng, đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của tôm mà không làm dư thừa, hạn chế được sự ô nhiễm môi trường ao nuôi. Do đó, giảm FCR sẽ tối ưu hóa chi phí cho người nuôi, mang lại lợi nhuận cao.
Các nguyên nhân làm cho FCR tăng cao
Chất lượng tôm giống và loại tôm
Tùy vào mỗi loại tôm sẽ có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn khác nhau, cùng với đó nếu người nuôi lựa chọn phải nguồn tôm giống kém chất lượng sẽ dẫn đến việc nuôi tôm chậm lớn, tốn chi phí thức ăn và hóa chất.
Nhiệt độ nước cao bất thường
Đối với trường hợp nhiệt độ ao nuôi tăng cao do nắng nóng hoặc với những khu vực ao che bạt nilon, nhiệt độ có thể tăng cao trên 33 độ C. Khi đó, tôm sẽ ăn nhiều hơn bình thường ở nhiệt độ cao, từ đó làm tăng chỉ số FCR.
Cho tôm ăn quá nhiều so với lượng cần thực tế
Người nuôi nên theo dõi để nắm được số lượng tôm thả và tỷ lệ sống được bao nhiêu để tính toán lượng thức ăn thực tế cần cung cấp. Cùng với đó, cần căn cứ vào tình trạng sức khỏe tôm để có cách điều chỉnh cho phù hợp. Chất lượng thức ăn cũng là yếu tố cần lưu tâm vì làm tôm chậm lớn, phân đàn khiến FCR tăng cao.
Thức ăn tôm
Chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ cao trong quá trình nuôi
Ảnh hưởng từ môi trường nước ao nuôi
Nếu đặt hệ thống sục khí không phù hợp làm đẩy thức ăn về giữa ao và tồn đọng dưới đáy. Việc này khiến cho đáy ao tích tụ lượng lớn chất thải, ao ngày càng ô nhiễm. Nếu không xử lý tốt tôm sẽ chán ăn, chậm lớn và yếu dần đi.
Cùng với đó các loại vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây hại cho ao tôm tổn thất chi phí.
Vậy phải làm gì để tối ưu FCR cho ao tôm?
Cải tạo ao cẩn thận, đúng quy trình
Giai đoạn cải tạo ao là bước đầu của thành công, người nuôi cần xử lý ao bằng các hóa chất chuyên dụng. Diệt tạp kỹ, loại bỏ các loài không mong muốn như hà biển, còng, cá tạp,… để tôm không bị tranh giành thức ăn hay làm mồi cho chúng, gây hao hụt.
Lựa chọn con giống tốt
Chọn giống từ các cơ sở uy tín, vì yếu tố giống quyết định đến sự thành công của vụ nuôi, tuyệt đối không vì giá rẻ mà chọn các con giống trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng.
Quản lý thức ăn tốt
Thức ăn chắc chắn là thứ không thể thiếu trong công đoạn nuôi tôm. Nhưng người nuôi cần phải quản lý lượng thức ăn mỗi ăn cho ao tôm mình hợp lý, cùng với đó cần lựa chọn loại thức ăn có thành phần dinh dưỡng phù hợp với loại tôm đang nuôi.
Người nuôi có thể cho tôm ăn nhiều cử trong một ngày để tôm hấp thụ tốt hơn.
Lưu ý không nên cho tôm ăn muộn vào ban đêm.
Bổ sung các loại men vi sinh
Ngoài ra, để tối ưu tỷ lệ FCR hiệu quả, bà con cần bổ sung thêm các sản phẩm men vi sinh cho tôm nhằm giúp bảo vệ chất lượng môi trường nước ao nuôi và tăng cường hệ tiêu hóa, sức đề kháng giúp tôm hấp thu chất dinh dưỡng và phát triển hiệu quả.
Qua bài viết trên đã cho chúng ta thấy rõ chỉ số FCR trong ao nuôi tôm là một yếu tố quan trọng đối với thành công và hiệu quả của vụ nuôi. Vì vậy, khi nuôi tôm cần nên quan tâm và thực hiện tốt các biện pháp để giảm FCR, giúp người nuôi có một vụ mùa thành công.
Nguồn: Tép Bạc 21/11/2023