SỬ DỤNG CHLORINE TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên thủy sản, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 17 tháng 6 năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận 70 tấn hóa chất Chlorin 65% min và 30 tấn Sodium Chlorite 20%  của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phát cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, cấp 10.000 lít hóa chất Benkocid từ nguồn dự trữ Quốc gia để hộ trợ tỉnh phòng chống dịch bệnh.

Nhằm sử dụng một cách an toàn và phát huy tác dụng chlorine đạt hiệu quả cao trong trong ao nuôi tôm cá, người nuôi cần lưu ý một số nội dung sau:

* Đặc tính: Chlorine là một hợp chất màu trắng, dễ tan trong nước. Khi tan trong nước giải phóng khí Clo làm cho nước có mùi hắc đặc trưng. Trong tự nhiên chlorine tồn tại ở các dạng khác nhau như: Khí Clo: 100% Clo; Calciumhypochlorite: 65% Clo; Natrihypochlorite; Clo dioxyt.

Trong  nuôi  trồng  thủy  sản, chlorine  được  sử  dụng  phổ  biến  ở  dạng calcihypochlorite hơn natrihypochlorite bởi vì khi hòa tan vào trong môi trường nước Ca(OCl)2 tạo ra 2 phân tử HOCl và sẽ phân ly thành 2 ion OCl-. Khi đó HOCl và OCl- tác động trực tiếp lên màng tế bào của vi khuẩn. Hàm lượng HOCl và ion OCl- phụ thuộc vào pH của môi trường ao nuôi, khi pH cao thì OCl- chiếm tỷ trọng lớn và ngược lại pH thấp thì HOCl chiếm tỷ trọng cao.

CHLORINE NIPPON NHẬT ( ẢNH MINH HỌA)

* Tác dụng: Chlorin ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xử lý nước bơi trong nhà và ngoài trời (xử lý nước, tác dụng của chlorine đóng vai trò là một chất khử trùng, tiêu diệt được 99% các loại vi khuẩn, vi trùng gây bệnh). Trong nuôi thủy sản chlorine được sử dụng để diệt khuẩn và khử trùng trang trại, dụng cụ nuôi trồng: có khả năng tuyệt vời trong việc khử trùng nước, ao hồ, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi,… đồng thời, diệt hoàn toàn các loại vi khuẩn, virus, phiêu sinh vật còn sót lại trong các vụ nuôi trước.

* Một số lưu ý sử dụng:

– Dùng chlorine cải tạo ao: Khi đã cấp nước vào ao nuôi tôm, để sử dụng chlorine diệt khuẩn, diệt tạp, khử trùng, diệt giáp xác, pha loãng chlorine tan đều trong nước và tạt khắp ao nuôi. Liêu lượng sử dụng: Khử trùng đáy ao: 50-100 ppm; khử trùng nước ao: 20 – 30 ppm; xử lý bệnh do vi khuẩn: 1 – 3 ppm; xử lý bệnh do ký sinh trùng: 0,1 – 0,2 ppm.

– Chỉ sử dụng chlorine để xử lý nguồn nước cấp trong ao lắng sau khi kiểm tra hết hoạt tính Clo mới cấp vào ao nuôi. Hoặc có thể dùng chlorine xử lý nước đầu vụ nuôi. Tuyệt đối không sử dụng clorine trong khi nước ao giàu muối dinh dưỡng và chất hữu cơ vào giữa vào cuối vụ nuôi.

– Xử lý chlorine diệt khuẩn nên dùng vào thời điểm 13 – 15h00, thời điểm này nhiệt độ cao nhất trong ngày vì khi nhiệt độ càng cao thì hoạt tính của chlorine càng cao. và không được sử dụng các chất diệt khuẩn khác như: BKC, formaline,…cùng lúc. Đối với ao nuôi cũ, liều lượng chlorine sử dụng cao hơn ao mới.

– Không nên bón vôi trước khi sử dụng chlorine, vì chlorine sẽ giảm tác dụng khi độ pH cao. Do đó, liều lượng sử dụng có thể tăng hoặc giảm tùy vào lượng chất hữu cơ và độ pH của nước.

– Sau 4 – 5 ngày sử dụng chlorine nên sử dụng bộ test thử chlorine để kiểm tra, xác định chính xác lượng Clo tồn dư trong nước là bao nhiêu để trung hòa cho hợp lý. Nếu chlorine còn tồn lưu có thể khử chlorine bằng Na2S2O3 (để loại bỏ 1mg/l Clo, cần dùng 6,99mg/l Na2S2O3). Khi kiểm tra thấy không còn chlorine tồn lưu trong ao nuôi mới tiến hành thả giống.

– Khi xử lý chlorine cần bật sục khí để tăng cường hoạt tính của chlorine. Nên sử dụng Chlorine đúng liều lượng, đúng thời điểm vì khi sử dụng quá liều lượng, sai thời điểm sẽ gây tác hại cho vật nuôi, sức khỏe con người và môi trường xung quanh.

– Chlorine có phổ diệt khuẩn rộng, nên diệt tất cả những vi khuẩn có hại lần có lợi. Vì vậy, ao nuôi có sử dụng chlorine, thì sau  5 – 7 cần bón chế phẩm vi sinh học: ScienChain, EM… để phục hồi hệ vi khuẩn đáy ao. Chế phẩm vi sinh góp phần hạn chế được những mầm bệnh trong ao, ngoài ra còn giúp phân hủy thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ tích tụ dưới đáy ao, làm sạch đáy ao và giảm thiểu các loại khí độc. Giúp các loại tảo có lợi cho tôm phát triển, môi trường nước ao nuôi cân bằng và duy trì độ pH cho nước ao nuôi tôm (có thể dùng chế phẩm vi sinh để tạt trực tiếp hoặc ủ tăng sinh để lượng vi sinh vật có ích sẽ nhân sinh khối lên gấp nhiều lần, từ đó tạo những chủng vi sinh vật có ích trong ao nuôi).

* Bảo quản: để chlorine ở chỗ mát tránh để ở nơi có ánh năng trực tiếp vì sẽ làm mất khả năng hoạt hóa của sản phẩm.

Tác giả: Hoàng Trang

Nguồn: https://lhhkh.baclieu.gov.vn/-/s%E1%BB%AC-d%E1%BB%A4ng-chlorine-trong-nu%C3%94i-tr%E1%BB%92ng-th%E1%BB%A6y-s%E1%BA%A2n